1900 561 267

Western cùng vui trung thu với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
03/10/2017
Cá nục kho cà
31/10/2017

Cô gái trở thành quản lý từ học sơ cấp nghề

TTO – Từ một nhân viên phục vụ, sau 5 năm, cô gái học sơ cấp nghiệp vụ nhà hàng đã trở thành quản lý cấp cao nhà hàng Pizza 4P’s (Q.1, TP.HCM).

 

Yến Nhi (giữa) trao đổi với nhân viên về quy trình làm bánh pizza – Ảnh: DUYÊN PHAN 

Chia sẻ cùng Tuổi Trẻ, bạn Nguyễn Thụy Yến Nhi (28 tuổi) cho biết có được thành quả như hôm nay là cả một quá trình phấn đấu, nỗ lực không mệt mỏi của bản thân. 

* Tốt nghiệp phổ thông sao Nhi không học ĐH như các bạn trẻ khác?

Năm 2009, tôi tốt nghiệp THPT. Tôi cũng thi ĐH, trúng tuyển vào ngành ngữ văn Trung Quốc của một trường ĐH. Trường gửi thông báo nhập học, nhưng nhà tôi lúc đó khó khăn, cha tôi làm ăn thua lỗ, nợ nần, nên tôi không nhập học ĐH. Tôi đành nghỉ học để dành cơ hội học tập cho đứa em trai mới học lớp 3. Không đi học, tôi đi làm thuê: bán quần áo, phục vụ quán kem… để kiếm tiền. 

* Vậy cơ duyên nào đưa Nhi đến với nghề nghiệp vụ nhà hàng?

Tôi thích nghề này từ lúc đi làm phục vụ ở quán kem. Tôi có người bạn học nghiệp vụ nhà hàng ở trường trung cấp nghề, giới thiệu cho tôi khóa học miễn phí dành cho thanh niên khó khăn tại Saigon Children’s Charity CIO (SCC CIO, một tổ chức phi chính phủ của Anh). Lúc đó tôi nghĩ mình phải học một cái nghề, thế là tôi làm hồ sơ xin đi học nghề nghiệp vụ nhà hàng, và được chọn. 

* Bạn tìm việc có khó khăn?

May mắn đã mỉm cười với tôi, bởi sau khóa học 6 tháng đó, tôi được giới thiệu đến nhà hàng 4P’s làm việc. Lúc đó nhà hàng này mới mở, chỉ có vài nhân viên thôi! Nhiều người được giới thiệu tới đây nhưng họ không làm, đi kiếm nơi khác bề thế hơn. Tôi được nhận vào làm nhân viên phục vụ với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Do ít người nên tôi làm nhiều thứ lắm: lau nhà, dọn nhà vệ sinh… và tất cả những gì có thể làm được. Đây là nhà hàng kiểu Nhật, chủ là người Nhật, nên họ tỉ mỉ từng chút trong công việc. Thông qua lối làm việc đó, tôi học hỏi được nhiều thứ lắm, nhất là thái độ nghiêm túc, trung thực trong công việc. 

* Nhờ sự trung thực trong công việc, bạn đã trở thành quản lý từ vị trí thấp nhất trong nhà hàng?

Không hề đơn giản như bạn nói. Đó là cả một quá trình kiên trì trong công việc. Từ nhân viên tôi trở thành chuyên viên huấn luyện, rồi thành leader, lên quản lý và có một mức thu nhập ổn định như hiện nay. Một yếu tố khác giúp tôi có được vị trí như hôm nay đó là vốn tiếng Anh, tôi liên tục trau dồi nó. Khi chọn công việc nào, bạn hãy làm với tất cả nhiệt huyết của mình, không ngại khó, không ngại khổ, biết chấp nhận đi từ vị trí thấp nhất. 

* Được biết Nhi làm việc đến 10-11 giờ/ngày tại nhà hàng, công việc của bạn rất căng thẳng?

Tôi phải quản lý gần 100 nhân viên, từ nhân viên phục vụ cho tới nhân viên bếp… Tôi sắp xếp lịch làm việc cho họ, đánh giá việc tăng lương cho nhân viên, chăm sóc khách hàng, lập kế hoạch hoạt động cho nhà hàng, đảm bảo nhà hàng luôn vận hành tốt…. Hằng ngày, tôi có mặt ở 4P’s lúc 10h sáng, 23h đêm tôi mới về. 

* Bạn nghĩ gì khi cũng có những cử nhân đến xin làm nhân viên phục vụ và sau đó lại ra đi?

Có những bạn cử nhân đến làm việc và rất chịu khó học hỏi. Nhưng cũng có nhiều bạn làm một thời gian rồi nghỉ, hay đi làm chỗ khác rồi đến xin việc trở lại. Đôi lúc, tôi thấy tiếc cho họ, nếu họ kiên định hơn với lựa chọn của mình, thành công sẽ đến nhờ sự bền bỉ đó… Có lẽ các bạn ấy chưa xác định được mục tiêu trong công việc mình đang làm là gì: để kiếm tiền hay để học hỏi kinh nghiệm, tích lũy kinh nghiệm thực tế. Nếu bạn định hướng được mục tiêu công việc ngay từ đầu, bạn sẽ không nhảy việc. 

* Theo bạn, làm sao để xác định mục tiêu công việc?

Bạn phải xác định mình có thích công việc đang làm hay không, mình cần gì ở nó? Từ đó, bạn sẽ biết mình phải phấn đấu như thế nào cho công việc của mình. Lấy ví dụ từ bản thân: ngay từ thời phổ thông tôi đã tìm hiểu văn hóa làm việc của người Nhật và tôi thích tác phong làm việc của họ. Vì thế, khi được chọn vào làm ở 4P’s, tôi vừa làm để kiếm tiền, vừa học hỏi tác phong làm việc của họ. Khi được giao việc, tôi không từ chối, cố gắng hoàn thành tốt phần việc được giao. Dần dần, sếp sẽ để ý đến bạn và giao cho bạn phần việc quan trọng hơn. Đó chính là sự thăng tiến. 

Khi chọn nghề nào đó, phải biết chấp nhận khó khăn

Tôi thấy việc chọn nghề là rất quan trọng, bởi nó quyết định tương lai của bạn. Chọn học ĐH hay học nghề đều cần sự cân nhắc rất kỹ lưỡng với điều kiện của bản thân và gia đình.

Như tôi khi đó, tôi chọn học nghề cũng vì điều kiện cá nhân và hoàn cảnh gia đình. Đến giờ phút này, tôi không hối tiếc về lựa chọn của mình.

Khi chọn nghề nào đó, bạn phải biết chấp nhận khó khăn. Lúc đầu tôi làm nhân viên chạy bàn, hằng ngày chạy lên chạy xuống cầu thang liên tục. Có hôm về nhà mệt rã rời, hai gót chân đau nhức, nhưng hôm sau tôi vẫn tiếp tục.

Khi chọn công việc nào, bạn hãy làm với tất cả nhiệt huyết của mình, không ngại khó, không ngại khổ, biết chấp nhận đi từ vị trí thấp nhất. Có như vậy bạn mới thấu hiểu công việc của mình và mới yêu nó được.

Hiện tại, trong công việc hằng ngày, tôi vẫn đang tiếp tục học hỏi để hoàn thành tốt hơn công việc của mình. Tôi học từ người chủ Nhật Bản cho tới các bạn nhân viên.

 

QUANG PHƯƠNG

 

Trả lời