1900 561 267

Ẩm thực Bến Tre: Điểm danh các món đặc sản xứ dừa
14/09/2021
Những món ngon đặc sản Trà Vinh nhất định phải thử
15/09/2021

Các món ăn ngon đặc sản Đồng Tháp nhất định phải thử

Nhắc đến Đồng Tháp, du khách sẽ nghĩ ngay đến những cánh đồng sen bạt ngàn tỏa hương thơm ngát cùng khung cảnh thanh bình, thơ mộng ít nơi nào sánh được. Với hệ thống kênh rạch chằng chịt, sông ngòi dày đặc đã tạo ra một vùng đa sinh thái, sản vật dồi dào, nguồn lương thực, thực phẩm phong phú. Không chỉ mang đến những chuyến tham quan đầy ấn tượng, mà “Đất sen hồng” Đồng Tháp còn hút hồn du khách với những đặc sản địa phương dân dã mà ngon miệng. Xin giới thiệu những món ăn đặc sản Đồng Tháp bạn nhất định phải thử khi đến đây.

Các món ăn từ sen:

Ðồng Tháp Mười là vùng đất trũng nhưng lại phù hợp cho loài cây sống trong bùn và vươn lên khỏi mặt nước. Trên con đường khẩn hoang của mình, người dân Ðồng Tháp đã được thiên nhiên bạn tặng loài cây sen và họ đã biết tận dụng cây sen từ vẻ đẹp đến công dụng y học và ẩm thực. Các món ẩm thực từ sen vô cùng hấp dẫn và đa dạng. Từ ngó sen đến hạt sen, tim sen, lá sen đều có thể sử dụng để tạo ra nhiều món ăn với hương vị hấp dẫn khó quên tốt cho sức khỏe.

1. Gỏi ngó sen:

Điển hình đầu tiên là món gỏi ngó sen. Ngó sen sau khi rửa sạch, cắt sợi sẽ được trộn với gia vị như chanh, đường, mắm, ớt và một chút rau thơm. Khi ngó sen đã thấm đều gia vị thì người ta bắt đầu xé nhỏ thịt gà đã luộc chín ra và trộn vào cùng. Gỏi ngó sen được trộn với gà ta xé phay là có vị ngon chuẩn nhất bạn nhé. Gỏi chua chua, ngọt ngọt, cay cay lại thêm độ dai và ngọt của thịt gà, khi ăn có thể chấm thêm một tí nước mắm pha sẵn là đã ngon đủ vị. Khi ăn các đặc sản này, người Ðồng Tháp thường nhâm nhi vài ba ly Hồng Sen tửu. Ðây là một loại rượu duy nhất chỉ có ở Ðồng Tháp, rượu được ướp với cánh và nhụy hoa sen khoảng 6 – 8 tháng mới mang ra dùng, khi thưởng thức người ta không thể nào quên vị cay nồng của rượu đế, thoảng chút hương hoa sen làm ấm lòng người.

2. Cơm hạt sen:

Hạt sen được bóc vỏ, bỏ nhụy, luộc vừa chín tới. Gạo tẻ dùng nước luộc hạt sen nấu cho vừa chín thành cơm sau đó trộn hạt sen luộc với cơm, đậy nắp nồi lại để lấy hơi khoảng 5 – 10 phút sau đó bày ra đĩa để ăn như cơm trắng. Với món cơm này người ăn có thể thưởng thức được vị ngọt của cơm, vị bùi của hạt sen và phát huy được những công dụng của hạt sen giúp thanh mát cơ thể.

3. Cơm lá sen gạo huyết rồng:

Cơm gói lá sen là một trong những món ăn chỉ Đồng Tháp mới có và ngon không đâu sánh bằng. Cơm được nấu bằng gạo huyết rồng (một loại gạo hạt nhỏ, trong, thon dài và màu đỏ). Lá sen, chọn những lá thật già và to, rửa sạch để ngửa bề lá xanh lên trên cho cơm gạo lức vừa nấu chín vào sau đó gói lại và lật ngược lá sen để không cho hơi nóng thoát ra ngoài. Với món ăn này người thưởng thức cảm nhận được vị béo và ngọt của gạo huyết rồng, cơm được ủ trong lá sen nên rất ấm và có vị thơm thoang thoảng của lá sen do bị sức nóng của cơm làm héo.

4. Cá lóc nướng cuốn lá sen non:

Cá lóc nướng trui là món ăn dân dã đặc trưng của vùng sông nước Tây Nam Bộ. Món ăn này gắn liền với quá trình khai hoang mở cõi đất phương Nam của dân tộc Việt. Biến tấu từ món cá lóc nướng trui, người dân Đồng Tháp Mười dùng thêm lá sen non tạo ra món ăn đặc sản với tên gọi mộc mạc là cá lóc nướng trui cuốn lá sen non. Cá được nướng nguyên con, giữ lại bộ đồ lòng. Sau khi nướng, Cá được bổ đôi dọc sống lưng và rưới lên hành lá trụng qua dầu sôi cùng một ít đậu phộng… Nước chấm được chế biến từ nước mắm cá linh và me chín dốt, nêm thêm ít gia vị, tỏi, ớt sao cho có vị mằn mặn, thơm lừng của nước mắm gốc, vị chua của me, vị ngọt của đường, cay của ớt. Gắp miếng cá lóc lóc cuốn cùng lá sen non và các đồ ăn kèm, chấm thêm nước mắm me, thực khách cảm nhận đầy đủ vị chua, chát, mặn, ngọt… Da cá lóc vừa béo vừa giòn, thịt cá ngọt, thơm bùi, ruột cá đắng dịu, vị lá sen non chát nhẹ, thoang thoảng mùi hương sen, khiến thực khách khó thể cưỡng lại.

Ngoài ra, kết thúc bữa ăn là tráng miệng bằng món chè sen nước cốt dừa có tác dụng nhuận trường làm thanh mát cơ thể hay món hạt sen luộc, hạt sen rang. Ðặc biệt, có thể thưởng thức sữa sen – một loại thức uống được bào chế từ sữa của hạt sen non kết hợp với sữa tươi nguyên chất, nước tinh khiết và đường. Loại thức uống này được làm lạnh trước khi uống nên có thể giải khát tức thời và giải nhiệt cơ thể về lâu dài do tính nhuận trường của hạt sen non.

Hạt sen rang muối

Các món đặc sản khác:

1. Hủ tiếu Sa Đéc:

Hủ tiếu là một trong những món ngon đặc sản nổi tiếng và phổ biến của Sa Đéc. Hủ tiếu Sa Ðéc có sợi mềm, không bở, không dai, màu trắng sữa và rất thơm. Ðặc biệt, nước dùng rất thơm, ngọt thanh nhưng không quá béo ngậy. Khi nào khách gọi, đầu bếp sẽ cho hủ tiếu vào tô, rắc chút thịt nạc băm, chả vàng, tim, gan,…cùng là hành lá và ngò băm nhuyễn lên trên rồi mới chan nước dùng vào. Mỗi phần hủ tiếu được phục vụ kèm đĩa giò, quẩy, rau sống, xì dầu, ớt sừng trâu xắt lát ngâm giấm. Khi ăn, thực khách trộn tất cả các nguyên liệu lại rồi từ từ thưởng thức, sẽ cảm nhận được hương vị tuyệt vời của hủ tiếu Sa Ðéc. Ngoài ra, đừng bỏ qua món hủ tiếu khô độc đáo, lạ miệng khó cưỡng.

2. Bánh tằm bì Sa Đéc:

Đối với những thực khách có cơ hội đến với vùng đất Sa Đéc mà không thưởng thức bánh tằm bì Sa Đéc thì quả là một thiếu sót và cũng là một thiệt thòi lớn của bạn. Bánh tằm bì với sợi bánh tằm to mềm được xé nhỏ, bì cắt nhuyễn, xíu mại, rau sống, đặc biệt là nước cốt dừa béo ngọt bên trên. Bánh tằm bì được ăn chung với nước mắm chua ngọt và đồ chua dai dai kèm rau thơm.

3. Các món bánh dân gian làng bột Sa Đéc:

Không chỉ là xứ sở hoa kiểng của cả đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Sa Đéc còn nổi tiếng với làng làm bột gạo truyền thống hơn 100 tuổi. Nằm bên dòng Sa Giang hiền hòa, các sản phẩm của làng bột Sa Đéc không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài nhờ chất lượng vượt trội và hương vị đặc trưng riêng biệt không nơi nào sánh bằng. Đến thăm làng bột Sa Đéc bạn nhớ thưởng thức các món bánh dân gian Nam Bộ được làm từ bột Sa Đéc trứ danh như: món bánh ngọt, bánh mặn như bánh chuối, bánh lá mít, bánh ít trần, bánh tầm ngọt, bánh bò, bánh đúc, bánh tét, bánh tằm bì, bánh xèo…

4. Ốc treo giàn bếp:

Món này làm từ ốc lác. Ốc bắt được đem về rửa sạch, đựng trong giỏ đan bằng tre rồi đem treo chỗ cao trên giàn bếp; để lâu 4-5 tháng ốc vẫn sống, hàng ngày khi nấu cơm khói xông vào giỏ đựng ốc, ốc sẽ ngửi khói xông lên là đạt yêu cầu. Món ốc lác treo giàn bếp phải thưởng thức từ từ để nhâm nhi thịt vị mềm, béo ngậy của ốc, vị cay của ớt, vị thơm nồng của sả. Tất cả hòa quyện vào nhau thành hương vị hấp dẫn không thể tả nổi. Ai đã từng thử món ốc treo giàn bếp sẽ nhớ mãi hương vị đặc trưng của nó.

5. Nem Lai Vung:

Nem Lai Vung là một trong những món đặc sản Đồng Tháp sở hữu hương vị vô cùng đặc biệt. Nem Lai Vung vừa có vị ngòn ngọt của thịt tươi, vị chua thanh thanh của lá vông, lá tầm ruột, quyện vào đó là vị cay cay của ớt xanh. Từng ấy thứ hương vị trộn lẫn với nhau trong chiếc nem chua nhỏ nhắn, khiến cho bất kỳ ai đã từng thưởng thức món đặc sản này đều không thể nào quên được. Nếu có dịp đến Đồng Tháp, đừng quên ghé qua làng nem để mua nem Lai Vung về làm quà cho người ở nhà bạn nhé! Cũng đừng quên tự mình nếm thử một miếng nem thơm ngon tại đây để thấy được hương vị ấn tượng đậm đà gói trọn trong chiếc nem nhỏ xinh.

6. Quýt hồng Lai Vung:

Quýt hồng Lai Vung vang danh bởi vị ngon, trái đẹp màu hồng cam rực rỡ đẹp mắt. Trái quýt đặc sản mỏng vỏ, ít hột, mùi thơm thoang thoảng mà cuốn hút, vị chua chua ngọt ngọt ăn hoài không chán.

7. Bánh phồng tôm Sa Giang:

Bánh phồng tôm Sa Giang là một đặc sản hấp dẫn không chỉ trong và ngoài nước đều biết đến. Món này được làm từ bột, thịt tôm xay nhuyễn thêm một ít hạt tiêu giã nhỏ. Bánh phồng tôm Sa Giang dai, giòn, xốp.

8. Khô cá lóc Tràm Chim:

Là vùng đất đầu nguồn sông Tiền, từ xưa đến nay, sản vật ở mảnh đất Tràm Chim Tam Nông (Đồng Tháp) vào mùa nước nổi rất phong phú, đặc biệt là cá lóc nhiều vô số. Vì vậy, ngoài việc đánh bắt, nghề làm khô cá ở đây cũng rất phát triển. Khô lóc Tràm Chim được cho là đặc sản danh tiếng vùng đất này với những kỹ thuật tẩm ướp, phơi cá cực kỳ công phu khiến những miếng cá lóc vẫn giữ hầu như nguyên vẹn hương vị tươi ngon của loài cá đồng đất nơi đây. Cá lóc sau khi giết thịt, moi ruột và xẻ làm đôi ở phía lưng, dóc hết xương sống cá bỏ đi rồi ướp với mắm thơm, muối trắng, ớt cay, thêm một chút sả đập nhỏ và chút nghệ cho cá bớt mùi tanh. Cuối cùng là đem phơi nắng. Từ khô cá lóc người ta có thể chế biến thành nhiều món khác nhau, nào chiên, nào nướng, thậm chí còn làm nên các loại gỏi như gỏi xoài, gỏi lá sầu đâu… món nào củng đều ngon.

Các món ngon mùa nước nổi:

Mùa nước nổi về không những mang theo phù sa bồi đắp ruộng đồng mà còn mang về biết bao sản vật để rồi quá trình thích ứng của con người với môi trường thiên nhiên ấy làm nên nét văn hóa ẩm thực đặc thù của vùng đất này có rất nhiều món ăn ngon.

1. Cá linh bông điên điển:

Khoảng thời gian từ tháng 9 đến hết tháng 11 là mùa nước nổi ở Ðồng Tháp và cũng là mùa cá linh sinh sôi, mùa bông điên điển nở vàng ven các sông. Cá linh và bông điên điển là đặc sản mùa nước nổi của Ðồng Tháp, người dân địa phương thường dùng chúng để chế biến thành rất nhiều món ăn hấp dẫn, trong đó món ngon đặc sản hấp dẫn như bông điên điển xào tép, gỏi bông điên điển, cá linh nấu canh chua, cá linh kho… và món ngon nhất nổi tiếng nhất khi Ðồng Tháp mùa nước nổi chính là lẩu cá linh bông điên điển.

Bông điên điển

Theo kinh nghiệm ăn uống ngon và rẻ khi du lịch Ðồng Tháp mùa nước nổi, thì lẩu cá linh bông điên điển ngon nhất là vào đầu mùa nước nổi, bởi lúc này cá linh chưa lớn hẳn nên xương rất mềm, thịt ngọt, bụng lại có chút mỡ nên ăn rất ngon và béo ngậy. Ðặc biệt, bông điên điển đầu mùa cũng thơm, bùi và giòn hơn những thời điểm khác. Sự kết hợp của cá linh và bông điên điển sẽ đem lại một hương vị thơm ngon, thanh mát và lạ miệng mà không món lẩu nào bạn đã từng ăn có được.

Lẩu cá linh bông điên điển

Ăn kèm với món ngon đặc sản nổi tiếng phải ăn một lần khi du lịch Ðồng Tháp mùa nước nổi này là bún tươi, cơm trắng, mắm ớt và một số loại rau đặc trưng khác. Ngoài ra, bạn đừng quên thưởng thức thêm món lẩu riêu cua đồng đặc biệt của Ðồng Tháp nữa nhé.

2. Bông súng mắm kho:

Sẽ là thiếu sót lớn nếu không nói đến món mắm kho bởi sự thể hiện đầy đủ nhất cái đặc trưng địa phương vừa đậm đà phong cách vùng đất phương Nam khi trong món này có mặt gần như hầu hết sản vật thiên nhiên nơi đây, từ các loại cá, lươn,… kho với mắm cá sặt hoặc mắm cá linh, ăn kèm với các loại rau thiên nhiên như rau đắng, ba khía, kèo nèo, tai tượng, rau choại,… đặc biệt là bông súng và hẹ nước là hai loại không thể thiếu.

3. Các món ăn từ ếch đồng:

Miền Tây mùa nước nổi đã mang đến cho Ðồng Tháp rất nhiều món ăn ngon dân dã, trong đó phải kể đến những món ăn ngon từ ếch đồng như:ếch chiên bơ, ếch xào lăn nước cốt dừa, ếch nướng sả ớt hay nấu cháo ếch… Ếch vào mùa nước nổi ở Ðồng Tháp rất to, béo, đùi căng múp thịt và rắn chắc. Khi chế biến thành món ăn thường rất thơm, ngon và hấp dẫn. Chính vì thế, ếch đồng luôn là một trong những món ăn ngon dân dã đặc trưng và hấp dẫn nên thử ăn một lần khi du lịch Ðồng Tháp mùa nước nổi.

4. Chuột đồng quay lu:

Nhắc những món ăn ngon đặc sản không thể không thưởng thức khi du lịch Ðồng Tháp mùa nước nổi, đến chắc chắn không thể bỏ qua món chuột quay lu Cao Lãnh. Sau mỗi mùa gặt, người dân vùng Cao Lãnh lại bắt đầu săn những con chuột béo múp do ăn nhiều thóc lúa để chế biến thành nhiều món khác nhau như: chuột xào lăn, xé phay, chuột xối mỡ, luộc cơm mẻ, xào sả ớt gói với rau sống và bánh tráng,…nhưng ngon nhất và nổi tiếng nhất vẫn là món chuột quay lu. Khi nếm miếng thịt chuột đồng có da giòn tan, thịt chín mềm, thơm lừng và đậm đà chẳng kém gì thịt hươu, thịt nai bạn sẽ biết tại sao đây là là một trong những đặc sản nổi tiếng Ðồng Tháp không thể bỏ qua khi đến đây.

Trên đây là những món ngon đặc sản Đồng Tháp, hy vọng sẽ giúp du khách dễ dàng tìm được những món ăn yêu thích trong chuyến tham quan vùng sông nước miền Tây. Bạn hãy du lịch Đồng Tháp để được thưởng thức những món ăn dân dã mà ngon miệng trong không gian trời nước mênh mông, đậm chất hoang dã của người dân đi mở cõi đất phương Nam.

Tại Tp. Cần Thơ và các tỉnh khu vực ĐBSCL, các  bạn chọn học nghề nấu ăn có thể tìm hiểu chương trình học chi tiết tại Trường Đào tạo nghề Western với 100% thời gian tập trung vào thực hành và rèn luyện kỹ năng. Trong quá trình học, Nhà Trường sẽ bố trí việc làm tại các nhà hàng, khách sạn để học viên vừa học tập vừa có cơ hội cọ xát thực tế, tích lũy thu nhập và kinh nghiệm làm việc. Trường Đào tạo nghề Western cũng là trường được đánh giá tốt nhất về tay nghề và giá trị thực học của học viên khi làm việc. Trường Đào tạo nghề Western (Số 140, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phuờng Tân An, Quận Ninh Kiều Tp.Cần Thơ, Hotline: 1900.56.1267 – 0938.209.866, Website: www.western.edu.vnwww.dayngheamthuc.vn).

Trường Đào tạo nghề Western (St)

Trả lời